Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý phổ biến gây ra rất nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Vào thời điểm chuyển giao mùa, viêm mũi dị ứng thời tiết – một dạng điển hình của viêm mũi dị ứng – ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của nhiều người. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này trong bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng thời tiết
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng tới hàng triệu người mỗi năm. Nguyên nhân gây bệnh thường là do các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi, lông động vật,… Khi các tác nhân gây dị ứng xâm nhập đường hô hấp sẽ kích thích phản ứng miễn dịch, gây viêm và các triệu chứng khác tại mũi. Một loại viêm mũi dị ứng phổ biến thường gặp, đặc biệt là trong một số thời điểm đặc biệt trong năm, được biết đến với tên gọi viêm mũi dị ứng thời tiết.
Viêm mũi dị ứng thời tiết thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè, khi các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh mẽ. Các nguyên nhân thường là do:
- Tiếp xúc tác nhân kích ứng: Bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt…), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số dược phẩm,…là các dị nguyên rất thường gặp ở nước ta, có thể gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc với những biểu hiện dễ nhận thấy ngay là ngứa và hắt hơi.
- Yếu tố môi trường khí hậu: thay đổi thời tiết đột ngột, ô nhiễm môi trường
- Người có bệnh nền: hen suyễn, viêm phế quản,…
- Người có sức đề kháng yếu: Người bệnh mới ốm dậy, trẻ em, người già,…
Đặc biệt nếu bạn bị viêm mũi dị ứng thì nên cẩn thận với khi tiếp xúc với hoa và phấn hoa. Một số loại hoa nên chú ý như: hoa cúc, hoa hướng dương, hoa nhài, hoa loa kèn, hoa ly, hoa bưởi,…
2. Triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết
Viêm mũi dị ứng thời tiết ở mỗi người sẽ có những triệu chứng cụ thể khác nhau, nhưng nhìn chung các triệu chứng thường gặp là:
- Hắt xì liên tục
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Giảm khứu giác
- Ngứa và chảy nước mắt
- Đau họng, khàn giọng, ngứa họng, ho
- Thở bằng miệng, ngủ dễ ngáy
- Mệt mỏi, uể oải
Trong một số trường hợp, viêm mũi dị ứng do thời tiết có thể dẫn tới đau đầu do xoang, nhiễm trùng tai và khó ngủ. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần và ngày càng trầm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.
3. Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng theo mùa có thể được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa chẩn đoán lâm sàng, tiền sử bệnh và xét nghiệm dị ứng. Xét nghiệm có 2 loại là xét nghiệm da và xét nghiệm máu. Sau khi chẩn đoán đã được thực hiện, bác sĩ sẽ đề ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý.
Điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết thường bao gồm việc tránh xa các tác nhân gây dị ứng và dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng. Thuốc kháng histamin không kê đơn, thuốc thông mũi và nhỏ mũi có thể giúp giảm các triệu chứng. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê đơn kết hợp nhiều loại thuốc hoặc đề xuất liệu pháp miễn dịch (tiêm phòng dị ứng) để giúp tăng khả năng chịu đựng các chất gây dị ứng.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp thêm 1 số phương pháp điều trị tại nhà như:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: giúp loại bỏ các chất gây dị ứng ra khỏi mũi
- Xông hơi: Thực hiện đơn giản với một nồi nước đun sôi mở vung để hơi nóng bốc lên mặt, hoặc mở vòi hoa sen ở chế độ nước nóng rồi xả khắp phòng tắm. Hơi nước nóng sẽ giúp thông đường thở và giảm nhẹ các triệu chứng.
Người bệnh cũng cần chú ý tránh các tác nhân gây dị ứng, đặc biệt là phấn hoa. Việc cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày có thể giảm đáng kể tác động của tình trạng viêm mũi dị ứng:
- Đóng cửa sổ, đặc biệt là trong những ngày có nhiều phấn hoa
- Sử dụng điều hòa không khí và máy lọc không khí trong nhà
- Đeo khẩu trang khi hoạt động ngoài trời
- Tránh các hoạt động ngoài trời trong giờ phấn hoa cao điểm (thường là sáng sớm và chiều muộn)
- Tắm và thay quần áo sau khi ra ngoài để loại bỏ phấn hoa
Viêm mũi dị ứng thời tiết là một tình trạng có thể điều trị được và nếu được kiểm soát đúng cách, bạn có thể giảm tác động của nó đối với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa, hãy gặp bác sĩ để xác định phương án điều trị tốt nhất.