Viêm họng là bệnh lý rất phổ biến ở nước ta, đặc biệt là ở trẻ em và những người có sức đề kháng yếu. Theo thống kê, mỗi người có thể đã từng mắc viêm họng ít nhất một lần trong đời, có những người bị đi bị lại trong thời gian dài.
1. Viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị khô và tổn thương do các nguyên nhân khác nhau dẫn đến triệu chứng ngứa, đau rát, ho nhiều, có thể sốt nhiễm trùng và nhiều triệu chứng khác. Bệnh viêm họng chia thành các loại như sau:
- Viêm họng cấp tính: Là tình trạng viêm cấp tính ở niêm mạc vùng họng, thường kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày và do virus gây ra.
- Viêm họng mãn tính: Là tình trạng viêm kéo dài tuần đến một tháng và tái phát lại nhiều lần trong năm. Viêm họng mãn tính rất khó để điều trị dứt điểm và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
- Viêm họng hạt: Là tình trạng viêm họng mãn tính quá phát khiến các mô lympho thành họng tăng sinh, phình to thành các hạt.
Viêm họng là bệnh lý rất phổ biến, đặc biệt khi thời tiết giao mùa hoặc thường xuyên sống trong điều kiện thời tiết khô lạnh, môi trường nhiều khói bụi.
2. Nguyên nhân gây viêm họng
Nguyên nhân chính gây bệnh viêm họng thường là do virus, vi khuẩn, ngoài ra còn có nhiều tác nhân khác gây bệnh viêm họng, cụ thể:
Do nhiễm trùng
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm họng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tác nhân chính gây tình trạng nhiễm trùng là do virus hoặc vi khuẩn.
- Virus: Chủ yếu là virus gây bệnh sởi, virus cúm, virus APC
- Vi khuẩn: Vi khuẩn gây bệnh phế cầu, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A hoặc một số vi khuẩn khác tích tụ lâu ngày trong khoang miệng.
Dị ứng
Với những người có tiền sử bị dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng với dị nguyên như bụi, lông chó mèo, phấn hoa,… bằng cách tiết ra các chất gây triệu chứng của bệnh viêm họng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng,…
Các tác nhân gây bệnh khác
Ngoài 2 nguyên nhân chính kể trên, viêm họng còn gây ra bởi các tác nhân như:
- Thường xuyên sống trong môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi, chất độc hại
- Do khói thuốc lá
- Do thường xuyên la hét to, nói nhiều
- Do bệnh trào ngược dạ dày.
- Do các khối u
- Do nhiễm HIV
3. Triệu chứng của bệnh viêm họng
Triệu chứng của bệnh viêm họng ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khi bị viêm họng, người bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Đau hoặc cảm giác ngứa trong cổ họng Đau trầm trọng hơn khi nuốt hoặc nói
- Khó nuốt
- Đau, sưng hạch ở cổ hoặc hàm
- Amidan sưng, đỏ
- Các mảng trắng hoặc mủ trên amidan
- Giọng nói khàn hoặc nghẹt.
- Ho, có thể là ho khan hoặc ho có đờm
- Người hơi ngấy sốt hoặc sốt nhẹ.
Ngoài ra, ở một số người bệnh còn có các triệu chứng như sổ mũi, nhức mỏi người, đau đầu, buồn nôn.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
– Đối với trẻ em: Khi bé có các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh viêm họng như sốt cao liên tục không hạ, ho nhiều, bé bị khó thở, thở xẹp lồng ngực, tiếng thở rít, khó nuốt và quấy khóc nhiều mẹ nên đưa bé đi khám.
– Đối với người lớn: Bạn hãy đi khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm họng ngày càng tăng nặng như đau rát họng dữ dội, kéo dài nhiều ngày không có dấu hiệu thuyên giảm; khó thở, sốt cao liên tục không hạ, ho nhiều gây mất ngủ.
4. Viêm họng có lây không?
Nguyên nhân chính gây bệnh viêm họng là vi khuẩn và virus, do đó bệnh rất dễ lây lan từ người sang người thông qua giọt bắn nước bọt hoặc dịch tiết của mũi khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra bạn còn có thể bị lây bệnh thông qua con đường gián tiếp như sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh; tiếp xúc với những vật dụng có chứa giọt bắn nước bọt của người bệnh,…
5. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm họng
Viêm họng là bệnh lý dễ mắc phải, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa nó bằng cách tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, bảo vệ bản thân tránh vi khuẩn, vi trùng và các tác nhân gây bệnh. Cụ thể:
- Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng trong mùa lạnh.
- Hạn chế uống nước đá, ăn đồ ăn lạnh.
- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý; vệ sinh răng miệng sạch sẽ, có thể sử dụng các loại nước súc miệng để tránh để vi khuẩn, virus tích tụ gây bệnh.
- Không hút thuốc lá và tránh xa khu vực có khói thuốc lá.
- Tránh xa các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, khói bụi,…
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Vệ sinh tay sau khi ra ngoài về và trước khi đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Viêm họng rất phổ biến ở Việt Nam và có thể tự khỏi nếu ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên nếu người bệnh chủ quan, bệnh sẽ rất nhanh chuyển sang giai đoạn mãn tính và gây biến chứng nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Do đó, khi bị bệnh, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.