Khi niêm mạc mũi bị kích ứng gây ra sưng đỏ và sổ mũi do viêm hoặc dị ứng. Nếu để tình trạng này kéo dài thì polyp mũi sẽ hình thành và gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị polyp mũi qua bài viết này nhé!
1. Polyp mũi là gì?
Polyp mũi là một dạng u lành tính nằm trong hốc mũi hoặc trong các xoang mặt, xoang mũi. Bệnh này bản chất không phải là khối u mà chính là sự thoái hoá cục bộ của niêm mạc mũi hay xoang, chủ yếu là lớp tổ chức đệm.
Polyp mềm, mọng trong, nhãn, màu hồng nhạt và bên ngoài là lớp biểu mô với tế bào trụ, vuông hoặc thành tế bào lái bẹt, bên trong có các tổ chức liên kết bởi các tế bào xơ tạo thành một lớp lỏng lẻo có chứa các dịch nhầy.
Nếu polyp mũi có kích thước nhỏ thì triệu chứng ít xuất hiện, tuy nhiên nếu polyp có kích thước lớn sẽ gây ra hiện tượng khó thở, giảm khứu giác, nhức đầu âm ỉ, ngáy… Trong một số trường hợp hiếm gặp, kích thước của polyp quá lớn sẽ thay đổi hình dạng khuôn mặt.
2. Nguyên nhân gây bệnh polyp mũi
Các polyp mũi được hình thành từ lớp niêm mạc mũi hoặc các xoang. Các phản ứng viêm tiếp diễn có thể do vi khuẩn, virus, dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các nấm sẽ gây ra hậu quả là polyp mũi.
Nếu bị viêm mãn tính thì các mạch máu ở niêm mạc mũi hoặc các xoang sẽ tăng tính thấm, gây nên việc nước tích tụ trong các mô. Các mô ứ nước này sẽ bị tác động của trọng lực kéo xuống dưới, dồn lại và hình thành khối polyp.
Ngoài ra, polyp hình thành cũng do một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Hen suyễn: được xem là nguyên nhân chính khiến đường hô hấp bị viêm và tắc nghẽn.
- Viêm xoang dị ứng do vi nấm: là tình trạng dị ứng nặng với nấm trong môi trường.
- Viêm xoang mãn tính.
- Nhạy cảm với thuốc: các thuốc aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid.
- Xơ nang, rối loạn di truyền dẫn tới tình trạng sản xuất và tiết ra chất dịch bất thường, nhất là chất nhầy từ màng mũi và xoang.
- Hội chứng Churg-Strauss: là một căn bệnh hiếm gặp gây ra tình trạng viêm mạch máu.
- Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân hình thành polyp mũi.
3. Triệu chứng bệnh polyp mũi
Nếu polyp có kích thước nhỏ sẽ không gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, tuy nhiên nếu kích thước lớn polyp mũi sẽ là tắc và gây khó thở đường mũi, phải thở bằng đường miệng, nhất là các trường hợp polyp ở trẻ em.
Dưới đây là các triệu chứng điển hình khi bị polyp mũi:
- Ngạt mũi kéo dài.
- Thường xuyên sổ mũi.
- Chảy máu cam thường xuyên.
- Giảm hoặc mất hoàn toàn khứu giác.
- Mất vị giác.
-
Đau nhức vùng đầu và vùng mặt.
- Đau vùng răng hàm trên.
- Cảm giác đè nặng lên mặt và trán.
- Ngáy nhiều và to hơn.
- Đầu đau nhức âm ỉ.
- Viêm đa xoang mãn tính.
3. Các biện pháp chẩn đoán bệnh polyp mũi
Các bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử như triệu chứng bệnh và khám mũi. Sau đó, nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số biện pháp giúp kết quả chẩn đoán chính xác hơn bao gồm:
- Nội soi mũi.
- Xét nghiệm dị ứng.
- Chẩn đoán hình ảnh, CT scan để xác định được kích thước và vị trí của khối polyp.
- Các xét nghiệm khác: Đối với trẻ em nếu có đa polyp thì cần làm thêm xét nghiệm xác định bệnh xơ nang phổi bởi tình trạng di truyền ảnh hưởng đến các tuyến sản xuất niêm dịch, mồ hôi, nước mắt, nước bọt và các dịch tiêu hoá.
Ngoài ra, nếu bệnh nhi có polyp mũi và sổ mũi thì cần test kiểm tra dị ứng da để cung cấp thêm thông tin quan trọng đối với những chất gây phản ứng dị ứng. Trường hợp trẻ không gặp phải bất tiện nào thì thực hiện test này chỉ mất khoảng thời gian là 30 phút.
4. Cách điều trị bệnh polyp mũi
Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng của người bệnh, nhưng polyp mũi vẫn có thể dẫn tới các biến chứng như viêm xoang cấp hoặc mãn tính, ngưng thở lúc ngủ, biến dạng khuôn mặt. Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nên thăm khám ngay để có cách xử lý kịp thời.
Dựa trên kết quả các các xét nghiệm, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất dựa trên mức độ, kích thước của khối polyp và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Hiện nay, các phương pháp được sử dụng để điều trị polyp mũi có hai loại chính:
Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ kê, sử dụng đúng và đủ liều lượng, tuyệt đối không được tự ý ngưng uống thuốc hay thay đổi liều thuốc.
Điều trị ngoại khoa: Bác sĩ có thể chỉ định dùng phẫu thuật để cắt bỏ polyp mũi khi phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật thực hiện còn tùy thuộc vào số lượng và vị trí của polyp bao gồm: phẫu thuật cắt polyp mũi, phẫu thuật nội soi xoang.
5. Cách phòng ngừa bệnh polyp mũi
Polyp mũi là bệnh lý có thể hình thành do bẩm sinh hoặc phát triển trong quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa bệnh lý này bằng cách biện pháp sau:
- Kiểm soát tốt các bệnh: Đặc biệt là bệnh hen phế quản và dị ứng.
- Tránh xa các chất kích thích: Các chất kích thích có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như bụi, khói thuốc lá, phấn hoa…
- Giữ gìn vệ sinh: Thường xuyên dùng xà phòng để rửa tay thường xuyên giúp tránh lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây viêm mũi và xoang.
- Vệ sinh mũi xoang hàng ngày: Sử dụng nước muối vệ sinh mũi và xoang hàng ngày nhằm giảm viêm trong mũi, làm khô chất nhầy đang gây nghẹt mũi và làm chậm quá trình sản sinh chất gây viêm adiponectin trong cơ thể.
- Sinh hoạt lành mạnh: Chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, thư giãn và xây dựng chế độ ăn cân bằng, cũng như tập thể dục thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa bệnh mũi xoang.
- Khám định kỳ: Bạn nên đi khám định kỳ để phòng ngừa polyp mũi và phòng ngừa khả năng tái phát bệnh.
Bài viết trên đã chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh polyp mũi. Hy vọng rằng qua đây các bạn đã có thêm kiến thức cho mình về cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này. Đặc biệt, khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nếu trên, hãy chủ động thăm khám ngay để có cách điều trị kịp thời và hiệu quả.