Vì viêm mũi dị ứng thường xảy ra do cơ địa nhạy cảm với các tác nhân trong môi trường, cho nên người bị viêm mũi dị ứng cần phải chú ý nhiều hơn khi dọn dẹp nhà cửa.
1. Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý liên quan đến phản ứng dị ứng của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, tóc chó mèo, mốc, phấn hóa học, hoặc thực phẩm. Triệu chứng bao gồm chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi và sổ mũi. Đây là bệnh lý phổ biến và không gây nguy hiểm tới tính mạng, tuy nhiên lại gây nhiều khó chịu trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
2. Nguy cơ gây viêm mũi dị ứng khi lau dọn nhà cửa
- Khói bụi là một trong các tác nhân gây viêm mũi phổ biến nhất bên cạnh phấn hoa và lông động vật. Bụi trong nhà thường là loại bụi mịn, chúng bám trên các đồ nội thất, vật dụng lâu ngày không đụng đến. Nếu hít phải bụi mịn, bạn có thể gặp các triệu chứng khó chịu như hắt hơi liên tục, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ. Trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây sưng đỏ mắt hoặc khó thở ở người mắc bệnh hen suyễn.
- Bụi trong nhà là nguyên nhân gây kích ứng hàng đầu. Bụi thường bám trên đồ nội thất, vật dụng lâu ngày không lau chùi, bụi từ ngoài bay vào nhà,… Khi quét dọn, bụi bay lên dễ chui vào mũi, gây các triệu chứng khó chịu như hắt hơi sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi.
- Phấn hoa, lông động vật cũng là tác nhân gây dị ứng thường gặp khi lau dọn nhà cửa. Đặc biệt là mùa xuân hay các dịp lễ Tết, trong nhà thường có nhiều hoa thì bạn nên cẩn thận khi chọn hoa, cắm hoa cũng như thu dọn sau khi hoa tàn.
- Mùi nước tẩy rửa mạnh có thể gây kích ứng cho một số người. Ví dụ như Formaldehyde dễ gây kích ứng da, chảy nước mắt, khó thở và ngứa mũi khi hít phải, Clo trong nước tẩy Javen hay các hóa chất tẩy rửa cũng gây hại khi hít vào nồng độ cao và thời gian dài.
3. Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng khi dọn dẹp nhà cửa
Không chỉ với bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, bất cứ ai khi dọn dẹp nhà cửa cũng nên chú ý một số điều dưới đây để bảo vệ đường hô hấp cũng như sức khỏe của mình và cả gia đình.
- Đeo khẩu trang che kín mũi miệng: Để tránh hít phải bụi mịn trong quá trình lau dọn, bạn nên đeo khẩu trang và cả kính chắn bụi. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp bình xịt phun sương tạo ẩm hoặc dùng khăn ẩm để lau chùi, hạn chế tình trạng bụi khuếch tán trong không khí. Tuy nhiên, cần lưu ý là không xịt nước hoặc dùng khăn ẩm để lau các thiết bị điện tử trong nhà vì có thể gây hỏng hóc, chập cháy nguy hiểm.
- Hạn chế sử dụng chổi lông phủi bụi, thay vào đó, bạn nên sử dụng máy hút bụi sau đó dùng khăn lau chùi các vật dụng, đặc biệt là các đồ vật lâu ngày không động đến có lớp bụi dày bao quanh.
- Làm sạch đệm ghế, ga giường: Dùng máy hút bụi chuyên dụng với giường, gối, thảm, đồ nội thất bọc đệm,… để loại bỏ hết ve bụi – chất thải từ vi sinh vật nhỏ trong nhà. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, bạn cũng nên giặt vỏ bọc đêm, ga giường mỗi tháng 1-2 lần vì đây là thứ thường xuyên tiếp xúc với da và đường hô hấp.
- Chuẩn bị khăn mềm ẩm: Sử dụng khăn ẩm giúp bạn dễ dàng làm sạch đồ vật và hạn chế bụi bay từ nơi này sang nơi khác.
- Tránh bật quạt khi dọn nhà làm bụi bay phát tán trong không trung.
- Thường xuyên lau dọn đồ đạc, nhà cửa để tránh đồ dùng bị bám bụi nhiều và giữ cho không gian sống luôn thoáng đáng.
- Tắm rửa, thay quần áo và vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý sau khi dọn nhà.
- Sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa ít hoặc không mùi, thành phần an toàn cho sức khỏe.
Vệ sinh nhà cửa là công việc thường xuyên phải làm để giữ gìn không gian sống sạch sẽ, thoải mái. Nếu bạn bị viêm mũi dị ứng thì nên áp dụng các cách trên để dọn nhà mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhé.